Tadivui.com – Du lịch Long An có đặc sản gì hấp dẫn chắc là câu hỏi mà bạn đang băn khoăn trước khi đến với mảnh đất này. Sau đây Tadivui sẽ gợi ý cho các bạn những món ngon và đặc sản nổi tiếng tại Long An nhé !

1. Lẩu mắm Long An

ảnh: meiitr

Đây là món ăn dân dã, mang đậm phong vị ẩm thực người miền Tây nói chung và của người dân Long An nói riêng. Món lẩu mắm rất giàu chất dinh dưỡng bởi đây là một món ăn tổng hợp với nhiều sản phẩm có được của vùng sông nước, cửa biển, ruộng đồng như: cá, tôm, cua, mực, bò, heo… Điểm độc đáo của món ăn này chính là không thể thiếu màu xanh của rau.

ảnh: ngoctranhcm

Rau dùng để ăn với lẩu mắm rất đa dạng và hầu như bất cứ loại rau nào ở mảnh đất hoang dã miền Nam này đều có thể ăn được như: rau muống, rau cải trời, cọng súng, bông điên điển, giá sống, rau thơm, khế chua, chuối chát, dưa chuột, rau đắng, ớt đỏ, thơm… Đặc biệt, một loại rau không thể thiếu trong lẩu mắm là ngọn rau dừa.

2. Gạo Nàng Thơm chợ Đào

ảnh: ST

Một loại gạo cũng là đặc sản rất nổi tiếng của mảnh đất Long An đó chính là Gạo Nàng Thơm chợ Đào, đây là một loại gạo khá đặc biệt ở vùng đất Chợ Đào – xã Mỹ Lệ – huyện Cần Đước – tỉnh Long An.

Đây là loại gạo ngon nổi tiếng được nhiều người biết tới với những ưu điểm vượt trội mà ít loại gạo nào có được. Gạo Nàng Thơm có hạt thon dài, chà trắng ra, bên trong còn có hột lựu hồng hồng. Khi gạo mới gặt, người ta chà xong còn như có một lớp dầu, đưa tay vào bao gạo, giở lên thấy gạo còn bám trên tay mình.

ảnh: ST

Gạo Nàng Thơm rất ngon cho nên phần lớn mọi người sau khi thu hoạch đều để dành riêng cho người thân nên số lượng bán ra thị trường rất ít, vì thế, nếu có cơ hội du khách đừng quên thưởng thức gạo Nàng Thơm ngon tuyệt vời này.

3. Lạp xưởng tươi

ảnh: maimummim219

Đâu đâu cũng có món lạp xưởng, bởi đây là một món ăn khá dễ làm, nhưng nếu có dịp đến du lịch Long An, bạn hãy một lần nếm thử lạp xưởng tươi ngon độc đáo nơi này. Điểm đặc biệt của lạp xưởng tươi khác với các loại lạp xưởng khác là nạc nhiều, mỡ cực kì ít, gần như không có cảm giác có mỡ khi ăn.

ảnh: nhi.myn

Lạp xưởng tươi có thể nướng trên bếp than hay chiên (với ít mỡ), nhưng có một cách chiên vô cùng độc đáo gọi là “lăn nước”. Thay vì dùng dầu (mỡ) thì dùng nước. Cho nước vào xâm xấp, để lửa nhỏ riu riu, dùng đũa trở đều tay cho đến khi cạn nước và chiếc lạp xưởng chín vàng đều thì có thể gắp ra và thưởng thức.

4. Canh chua cá chốt

ảnh: ST

Canh chua cá chốt là một món ăn phổ biến của vùng sông nước mà bạn nên thưởng thức nếu còn băn khoăn đến du lịch Long An ăn gì? Với hệ thống kênh rạch chằng chịt nên Long An là một mảnh đất màu mỡ về các loại cá, nhưng ngon và nhiều phải kể đến cá chốt. Cá chốt là loại cá có thân hình tròn trịa, mập ú, lại to chỉ bằng ngón chân cái, nhưng có phần bụng căng tròn, con nào cũng đầy trứng nên ăn rất ngon. Cá chốt có thể nấu nhiều món nhưng khiến du khách và người dân địa phương thích nhất phải kể đến canh chua cá chốt.

5. Thanh Long Châu Thành

ảnh: ST

Đây là loại trái cây được trồng phổ biến mà có giá trị dinh dưỡng cao. Thanh long Châu Thành tuy không to bằng thanh long Bình Thuận nhưng có thịt rất ngọt, mọng nước, rắn chắc, không bở, vỏ mỏng, khi ăn vào thấy sự hòa quyện giữa nét ngọt thanh thao với một ít vị chua đọng lại trong thực quản, rất phù hợp khi dùng để ăn tươi, giải khát trong những ngày hè.

ảnh: ST

Đặc biệt những cành thanh long được người trồng thả leo trên cây uốn mình như những con rồng xanh ngậm quả chín mọng đỏ rất hấp dẫn khách tham quan và thưởng thức nét đẹp của vườn cây, vị ngọt mát của loại trái cây này.

6. Rượu đế Gò Đen

ảnh: ST

Đây là một rượu trứ danh, là một trong những đặc sản nổi tiếng vùng đất Long An. Đây là một món đồ uống mà bất cứ dân nhậu Nam Bộ không thể không thưởng thức, thậm chí còn được mệnh danh là ”đệ nhất tửu”. Để làm món rượu Gò Đen , họ thường chọn những loại nếp hạt tròn, mẩy, có mùi thơm, trắng đục đều. Rượu Gò đen chính hiệu phải được nấu từ một trong các loại nếp được trồng tại địa phương như: nếp Mở, nếp Mù U, nếp Than Tuyền, nếp Hương, nếp Thổ Địa,…

ảnh: ST

Cách nấu loại rượu này cùng giống như nhiều nơi khác nhưng men để ủ rượu người ra dùng là men mài rễ thảo mộc hoặc men bí truyền chế từ các vị thuốc bắc (quế khâu, đinh hương, trần bì, quế chi, đại hồi cộng thêm nhãn lồng, trầu hương,…). Chỉ riêng khâu ủ men truyền thống cũng đã mất gần một tuần, đem nấu lửa đượm mới chắt lọc được cái tinh túy nhất của men nồng, nếp thơm để có được mùi vị đặc sắc của món rượu này.

Đệ nhất tửu Gò Đen chinh phục ngay từ chính mùi hương cay nồng, rượu trong như nước mưa, chỉ cần thử một ngụm nhỏ thôi cũng đã làm đắm say lòng người rồi.

Có thể bạn quan tâm:

binhqb94