Tadivui.com – Du lịch Hòa Bình từ lâu đã nổi tiếng bởi phong cảnh núi rừng vừa hoang sơ kỳ vĩ, vừa nên thơ trữ tình thì mãnh đất này còn níu chân du khách với vị đậm đà quyến rũ của những món ăn mang đậm nét đặc trưng vùng Tây Bắc nơi đây.

1. Thịt lợn rừng xiên nướng

ảnh: 2lands.originals

Lợn rừng sau khi thui vàng, người ta sẽ chọn ra những phần thịt ngon nhất rồi thái miếng rồi đem tẩm ướp rất nhiều loại gia vị khác nhau: giềng, sả, muối, ớt bột, hồi, nghệ, dấm, lá móc mật, gừng,… tùy vào lượng thịt. Chờ khoảng 15 – 20 phút để cho gia vị đã ngấm đều, thịt được xiên que và đem nướng cho tới khi chảy hết mỡ béo, có màu vàng ruộm. Món ăn sẽ tuyệt vời hơn khi ăn kèm với rau xà lách, rau sống và bên một chén rượu cần.

2. Cơm Lam

ảnh: ST

Hòa Bình vốn nổi tiếng có loại gạo nương vô cùng thơm và dẻo. Đó chính là điểm nhấn để tạo nên sức hấp dẫn của món cơm lam này. Nếp nương được ngâm qua một đêm cho mềm, trộn lẫn với cơm dừa thái sợi, lèn thật chặt vào trong ống nứa để đến khi chín cơm còn nguyên hình hạt gạo. Ống nứa để làm cơm lam được cắt dài chừng 30 phân, nứa còn tươi để giữ được mùi thơm đặc trưng và mùi vị.

ảnh: __vothanhthu__

Lúc nén gạo vào ống, người ta bỏ thêm một chút nước cốt dừa, sau đó nút ống lại bằng mía, có thể lá chuối, rồi nướng trong vòng 2 tiếng trên bếp củi, khi dậy mùi thơm nghĩa là cơm đã chín tới rồi. Khi chẻ qua lớp vỏ cháy bên ngoài, rồi tách từng phần vỏ sao cho còn giữ được lớp màng lứa bao bọc những hạt cơm bên trong, bạn sẽ bị cuốn hút với mùi vị và hương thơm đặc biệt này ngay.

3. Thịt trâu nấu lá lồm

ảnh: ST

Món ăn này của người Mường tại Hòa Bình rất phổ biến vì được ưa thích. Thịt trâu được đem thui, làm sạch sẽ sau đó, đem hầm cho mềm. Lúc thịt đã chín tương đối sẽ được thái nhỏ hơn, cho vào nồi đất hầm kĩ. Lá lồm (là một loại lá chua) được giã nhỏ và tấm gạo cho vào nồi hầm chung với thịt trâu. Giữ lửa cho đến khi gạo tấm nở vừa sánh lại là được. Thịt trâu được hầm xong nhừ kĩ, ngấm vị chua lá lồm và hương gạo, rất dễ ăn.

4. Xôi nếp nương Mai Châu

ảnh: ngo_phuong_thuy

Còn được gọi là xôi các màu, xôi nếp nương Mai Châu là món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc vào mỗi dịp lễ, tết, ngày hội. Việc được làm từ gạo nếp nương thơm ngon nổi tiếng khắp đất nước càng làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn. Xôi được nấu với nhiều màu sắc khác nhau được chiết xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên chứ không hề dùng đến các loại phẩm màu hóa chất, đây chính là nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực các vùng miền dân tộc.

5. Lợn mán thui luộc

ảnh: ka.ynn

Món ăn này được người dân nơi này mệnh danh là đặc sản Hòa Bình, nếu có dịp đến với mảnh đất này rồi mà bạn không thử món lợn mán thui luộc này quả thực là thiếu sót lớn. Thịt lợn ở đây có vị thơm và thịt chắc hơn so với lợn nhà bởi vì được nuôi thả tự nhiên trên các triền đồi. Được gọi là lợn thui luộc là bởi sau khi người ta sơ chế thịt sẽ mang đi thui cho đến khi vàng bóng, để lớp bì không bị khó ăn do cứng, người ta sẽ vừa cạo lông vừa thui. Kế đó thịt lợn được luộc cho chín tới rồi thái mỏng ăn kèm gia vị chấm. Miếng thịt lợn nóng hổi quyện cùng vị thơm hơi nồng của hạt dổi và vị đầm đậm của muối rang sẽ chinh phục những thực khách khó tính nhất.

6. Chả cuốn lá bưởi

ảnh: ST

Là món đặc sản khá nổi tiếng không kém gì món cơm Lam, thoạt nhìn chả có phần hơi giống với chả cuốn lá lốt. Nhưng khi nếm thử thì bạn sẽ phát hiện ra ngay sự khác nhau. Không giống như phần nhân được làm từ thịt băm của chả cuốn lá lốt, chả cuốn lá bưởi của người Hòa Bình lại được làm từ những miếng thịt được thái hình con chì nêm một chút nước mắm cùng hành khô rồi bọc lá bưởi và dùng kẹp tre nướng. Mỡ lợn xèo xèo trên than hồng làm dậy lên hương vị thịt thơm ngon phảng phất hương vị thiên nhiên từ lá bưởi, kẹp tre.

7. Rượu cần

ảnh: imnana94

Nếu đến Hòa Bình mà chưa được thưởng thức hương vị rượu Cần đăng đắng, chua chua, ngòn ngọt làm “say đắm” lòng người thì xem như chưa đến mảnh đất Tây Bắc này rồi. Rượu Cần thường được người nơi đây uống vào những dịp lễ tết hay mang ra để chiêu đãi khách quý.

8. Thịt lơn muối chua

ảnh: ST

Không giống như những món thịt chua của các vùng miền khác, thịt lợn muối chua ở Hòa Bình mang hương vị của cả thiên nhiên nơi đây. Từng chiếc lá chuối rừng được làm sạch rồi hơ qua trên lửa, lau hết lớp than củi, rồi xếp lót đáy bồ làm từ tre hay nứa rồi mới trải thịt lợn lên. Khi xếp thịt vào bồ cần nhớ cứ mỗi lớp thịt là phải trải đan xen lên một lớp gạo rang và muối rang. Cứ làm lần lượt như thế cho đến khi thịt đầy bồ sẽ đậy nắp kín lại sau đó cất bồ thịt ở trên gác bếp hoặc khu vực quanh bếp củi. Lưu ý, để thịt có được hương vị chua tự nhiên thì bạn không thể quên ướp thịt lợn với men lá rừng cùng gạo được rang và giã nhỏ.

Khi thưởng thức bạn nên ăn cùng các loại lá rừng nơi đây để có thể cảm nhận sự trọn vẹn hương vị béo ngậy của miếng thịt lợn, chua chua men lá, ngọt thơm của gạo và chút đậm đà của muối. Bởi sự kết hợp khéo léo từ những nguyên liệu thiên nhiên rừng núi cho nên nếu nói món ăn này mang cả hương vị đất trời Hòa Bình thì cũng không quá phải không ?

Có thể bạn quan tâm:

binhqb94